Cách sửa quạt trần quay chậm. Hướng dẫn cách tăng tuổi thọ quạt trần

1. Nguyên nhân khiến quạt trần quay chậm

Thông thường sau một thời gian sử dụng, quạt trần có dấu hiệu chạy chậm dần, khả năng làm mát giảm. Khi phát hiện các dấu hiệu này, bạn cần tiến hành kiểm tra quạt và tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Dưới đây là một vài nguyên nhân thường gặp khiến quạt trần quay chậm.

  • Quạt bám nhiều bụi

Sau một thời gian sử dụng, bụi bẩn thường bám trên cánh quạt, động cơ và hộp điều khiển. Lớp bụi dày không được vệ sinh sẽ càng dễ cuốn thêm nhiều bụi, sợi tóc mắc kẹt ở trục quay. Điều này dẫn đến tình trạng quạt có dấu hiệu quay chậm hoặc ít mát hơn. Không chỉ ảnh hưởng đến khả năng làm mát mà quạt bám nhiều bụi còn ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, đặc biệt đối với những người có vấn đề về đường hô hấp. 

  • Quạt bị khô dầu

Dầu là chất bôi trơn giúp động cơ và trục quay của quạt hoạt động trơn tru. Quạt bị khô dầu sẽ dẫn đến lực ma sát tăng, cản trở trục quay vận hành khiến quạt quay chậm hơn. Nếu để tình trạng khô dầu quá lâu sẽ khiến quạt quay chập chờn hoặc ngừng quay. Khô dầu cũng là nguyên nhân dẫn đến những tiếng kêu khó chịu trong quá trình sử dụng quạt.

  • Tụ điện hỏng

Tụ điện là linh kiện có chức năng cung cấp điện năng chính xác cho động cơ hoạt động. Nếu như bạn đã thay dầu và vệ sinh quạt nhưng quạt trần vẫn bị quay chậm, thì nguyên do có thể đến từ tụ điện.Tụ điện yếu/hỏng dẫn đến không thể chuyển đổi điện năng sang động cơ, khiến quạt quay chậm hoặc ngừng quay. Tụ điện hỏng có thể đến từ nguyên nhân hao mòn hoặc chập điện.

  • Hỏng cuộn dây đồng

Một nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng quạt trần bị quay chậm là do cuộn dây đồng bị hỏng hoặc đứt. Quạt sau quá trình sử dụng dài có thể khiến dây đồng bị mòn hoặc đứt do hoạt động quá tải hoặc tác nhân từ bên ngoài. Với trường hợp này bạn cần thay mới dây đồng để quạt có thể hoạt động ổn định trở lại.


2. Cách sửa quạt trần bị quay chậm tại nhà

Sau khi tìm hiểu được chính xác nguyên nhân khiến quạt trần quay chậm, bạn sẽ có phương án sửa chữa phù hợp. Đối với một số lỗi đơn giản, bạn có thể tự khắc phục tại nhà.

Vệ sinh quạt trần thường xuyên

Đây là cách đơn giản và dễ thực hiện tại nhà. Bạn nên vệ sinh cánh quạt và trục quay thường xuyên. Không để bụi và tóc bám vào cánh quạt khiến quạt nặng nề, giảm tốc độ quay. Bạn có thể dùng khăn khô hoặc chổi khô để quét dọn bụi đối với cánh quạt làm bằng kim loại để tránh han gỉ. Với cánh quạt bằng chất liệu nhựa hoặc sợi thủy tinh tổng hợp có thể dùng khăn ướt để lau cho sạch. Hoặc dùng máy hút bụi cầm tay để đạt hiệu quả cao nhất.

Tra dầu động cơ định kỳ

Khô dầu là nguyên nhân thường gặp nhất khiến quạt trần quay ngày càng chậm. Để tăng tốc quạt trần trở lại, bạn có thể mua dầu nhớt tại các cửa hàng, tiến hành tháo quạt xuống để tra dầu vào trục quay. Lưu ý tra lượng dầu vừa phải, tránh để dầu dư thừa gây mất thẩm mỹ. Bạn cũng nên tra dầu định kỳ ngay cả khi quạt vẫn hoạt động bình thường. Không nên để đến khi quạt quay chậm mới tra dầu sẽ làm hao mòn động cơ, giảm tuổi thọ.

Thay tụ điện, thay dây đồng 

Với các lỗi phức tạp liên quan đến kỹ thuật như hỏng tụ điện, hao mòn/đứt dây đồng cần đến thợ chuyên môn xử lý. Klasse khuyến cáo bạn nên đem quạt đến cửa hàng để sửa chữa hoặc gọi thợ đến sửa tại nhà để đảm bảo chất lượng tốt nhất cũng như an toàn trong quá trình sửa chữa và sử dụng.

3. Cách tăng tuổi thọ cho quạt trần

Quạt trần cũng giống như các thiết bị điện khác, cần được bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo quạt chạy khỏe, ít hư hỏng, kéo dài tuổi thọ sử dụng. Vào mùa nắng nóng, khi quạt chạy tối đa công suất bạn nên:

  • Thường xuyên vệ sinh quạt, không để bụi bẩn bám dày vào cánh quạt, động cơ và trục quay.
  • Tra dầu định kỳ 3 tháng/lần cho quạt để động cơ hoạt động trơn tru, quạt quay nhanh, làm mát tốt.
  • Thường xuyên kiểm tra các ốc vít, vặn chặt đai ốc để đảm bảo các linh kiện không bị lỏng lẻo, quạt không rung lắc, quay chậm.

Vào mùa đông, khi quạt “ngủ” quá lâu, bạn nên:

  • Tra dầu trước khi cho quạt khởi động lại để đảm bảo quạt chạy tốt sau nhiều tháng không hoạt động.
  • Bảo trì động cơ định kỳ để phát hiện sớm hư hỏng, sửa chữa kịp thời.
  • Vệ sinh quạt, tránh bụi bẩn bám trên quạt quá lâu ảnh hưởng đến khả năng vận hành của quạt